Bài Học 5, 26 Tháng 4 – 2 Tháng 5
KINH THÁNH NGHIÊN CỨU: Sáng thế Ký 2:9–17; Đa-ni-ên 2:31–35; Ê-sai 17:12, 13; Đa-ni-ên 7:1–3; Rô-ma 3:10–19; Khải huyền 12:15, 16; 10:1–11.
CÂU GỐC: ‘“Hãy yên lặng và biết rằng ta là Đức Chúa Trời; Ta sẽ được tôn cao trong các nước, cũng sẽ được tôn cao trên đất”’ (Thi thiên 46:10).
Vườn Ê-đen là một lớp học cho những con người đầu tiên của Chúa, một nơi mà việc họ tương tác với thiên nhiên sẽ không ngừng dạy họ và con cháu của họ thêm về Đấng Tạo Hóa. Bà Ellen G. White đã bày tỏ rằng, “Cặp vợ chồng thánh khiết không chỉ là những đứa trẻ dưới sự chăm sóc của Cha, mà còn là những học sinh nhận được sự hướng dẫn từ Đấng Tạo Hóa toàn tri. … Những bí ẩn của vũ trụ hữu hình—‘những công trình kỳ diệu của Ngài, Đấng trọn vẹn trong tri thức’ (Gióp 37:16)—Chúa đã cho họ một nguồn kiến thức và niềm vui vô tận”—Patriarchs and Prophets, tr. 50, 51.
Đọc Sáng thế Ký 2:9–17. Mệnh lệnh đầu tiên, cũng là một sự ngăn cấm, mà Đức Chúa Trời ban cho nhân loại là gì, và tại sao nó lại quan trọng đến vậy?
Lần đầu tiên động từ gốc “tswh” hay “mệnh lệnh” được Chúa sử dụng với con người là trong Sáng thế Ký 2:16, là lúc Ngài ra lệnh không được ăn trái của cây biết điều thiện và điều ác. Tại sao một số kiến thức lại không được biết? Chẳng phải việc trải nghiệm và biết nhiều hơn luôn mang lại lợi ích sao?
Suy nghĩ như vậy là không đúng theo Kinh Thánh: Đức Chúa Trời có ý định giáo dục dân Ngài một cách kỹ lưỡng, đồng thời tránh cho họ phải chịu nhiều đau khổ lâu dài do một số kiến thức sẽ gây ra, chẳng hạn như hậu quả khi con người chọn sự tự trị, thay vì để chính Chúa quản trị họ.
Hàng nghìn năm sau đó, khi dân Y-sơ-ra-ên đòi có một vua, Đức Chúa Trời đã cảnh báo trước những hậu quả (như chúng ta đã tìm hiểu vào tuần trước), và Ngài phán cho dân Ngài biết rằng, quyết định rời bỏ quyền cai trị trực tiếp của Ngài sẽ còn kéo dài cho đến tận thế.
Khi các vua của dân Y-sơ-ra-ên ngày càng trở nên độc ác hơn, tuyển dân của Đức Chúa Trời cũng càng trở nên quá trần tục và xa rời mục đích thiêng liêng của họ.
Tiếp cận sách Đa-ni-ên với bối cảnh này giúp chúng ta hiểu rõ hơn: các khải thị về hành trình của các đế chế không chỉ là một bản cáo trạng cho “các nước”—của các dân ngoại đạo—mà còn là những lời buộc tội về những thất bại của dân Y-sơ-ra-ên, khi họ không tuân theo các điều răn của Đức Chúa Trời. Thay vì sống trong sự tự do được ban cho lúc ban đầu ở vườn Ê-đen như là một lớp học, hằng bao thế kỷ sống trong vòng nô lệ, vẫn có thể là một lớp học mới khác, nơi các tâm hồn sẵn lòng có thể chứng kiến những nét tương phản rõ ràng, giữa các vương quốc của thế gian và vương quốc của Đức Chúa Trời.
Hãy nghĩ về những loại kiến thức, ngay cả bây giờ, mà nhiều người trong chúng ta không nên biết thì tốt hơn. Điều này giúp chúng ta hiểu thế nào về những gì bị cấm ở vườn Ê-đen?
Chính trong thời kỳ bị lưu đày ở xứ Ba-by-lôn, qua tiên tri Đa-ni-ên, Đức Chúa Trời đã diễn tả một cách chi tiết nhất về mối quan hệ giữa dân Ngài và các vương quốc trên thế giới này. Dân sự của Ngài không còn tự chủ nữa; bây giờ họ sẽ phải gánh chịu hậu quả cho những lựa chọn của mình. (Và có lẽ chúng ta sẽ học hỏi từ những kinh nghiệm sai lầm của họ?)
Đọc Đa-ni-ên 2:31–35, những lời này cho chúng ta thấy cái nhìn bao quát về lịch sử thế giới cho đến tận thế. Bạn và tôi có thể học được những lẽ thật quan trọng nào, từ lời tiên tri quan trọng này?
Vào cuối thế kỷ 19, nhiều người tràn trề niềm tin mới nơi sự tiến bộ của nhân loại. Ví dụ, cuộc Triển lãm Công nghệ Paris (1900) là một minh chứng đáng chú ý về sự lạc quan về tương lai. Chắc chắn, với tất cả những tiến bộ kỹ thuật và khoa học của chúng ta, nhiều vấn nạn tồi tệ nhất của nhân loại sẽ được giải quyết! Khi nhân loại bước vào thế kỷ 20, nhiều nhà tư tưởng tỏ ra đầy lạc quan rằng, các lý tưởng Khai sáng (Enlightenment)—chẳng hạn như sự hoàn hảo của con người và sức mạnh của lý trí—sẽ mở ra một kỷ nguyên mới vô cùng tuyệt vời cho nhân loại.
Tuy nhiên, thế chiến thứ nhất đã nhanh chóng làm tan vỡ những giấc mơ đó, đến cuối thế kỷ 20, đã có hơn 200 triệu người thiệt mạng vì chiến tranh. Chúng ta có thể đã tiến bộ về mặt công nghệ, nhưng chắc chắn không tiến bộ về mặt đạo đức. Để diễn giải điều này, Tiến sĩ Martin Luther King từng nói rằng: Chúng ta có tên lửa dẫn đường, nhưng lại dẫn con người đi sai đường. Và đó là một sự kết hợp rất đáng sợ.
Nhiều người nghiên cứu lời tiên tri đã nhận thấy rằng, các kim loại trong Đa-ni-ên 2 chuyển đổi từ giá trị cao nhất đến giá trị thấp nhất: Vàng giảm thành bạc, bạc giảm thành đồng, đồng thau giảm thành sắt, cho đến khi cuối cùng chúng ta chỉ còn lại sắt và đất sét.
Ông Charles Darwin, ông Karl Marx và các nhà tư tưởng khác ở thế kỷ 19, đã cố gắng thuyết phục chúng ta rằng nhân loại đang tiến hóa trở nên tốt lành hơn—rằng chúng ta đang tiến hóa về mặt sinh học và xã hội. Mặc dù ở một khía cạnh nào đó, sự tồn tại của con người đã được cải thiện (ít nhất là ở mức độ vật thể), nhưng ai thực sự nhìn về tương lai của thế giới này, như nó hiện đang được cai trị và quản trị, mà có thể chắc chắn về sự hòa bình, an ninh và thịnh vượng?
Đức Chúa Giê-su đã cảnh báo: “Các ngươi sẽ nghe nói về giặc và tiếng đồn về giặc. . . . Dân nầy sẽ dấy lên nghịch cùng dân khác, nước nọ nghịch cùng nước kia; nhiều chỗ sẽ có đói kém và động đất” (Ma-thi-ơ 24:6, 7). Mặc dù có các lời cảnh báo đáng sợ này, làm sao chúng ta vẫn có thể được an ủi khi biết rằng mình đã được cảnh báo trước về những hoạn nạn?
Giấc chiêm bao trong Đa-ni-ên chương 2, được bày tỏ lần đầu tiên cho vua Ba-by-lôn. Ngược lại, khải thị trong Đa-ni-ên chương 7, được trình bày cho một tiên tri Hê-bơ-rơ, là một cá nhân của dân tộc có giao ước với Đức Chúa Trời.
Tiên tri Đa-ni-ên được nhìn thấy một nội dung tương tự như vua Nê-bucát-nết-sa đã thấy, nhưng từ một góc nhìn khác. Thay vì một bức tượng, ông thấy nhiều quốc gia nổi lên từ biển do gió khuấy động mặt nước. Những quốc gia này luôn trong tình trạng xung đột, dẫn đến sự thay đổi quyền lực liên tục. Các câu Kinh Thánh như Thi thiên 65:5-8; Ê-sai 17:12, 13; và Giê-rê-mi 46:7, 8 sử dụng hình ảnh lụt lội và sóng gió để miêu tả sự tranh chiến giữa các quốc gia.
Ngược lại, Đất Hứa tồn tại ít nhất trong một thời gian, như một hòn đảo hòa bình và an toàn giữa đại dương các vương quốc ngoại giáo—một quốc gia thiêng liêng được xây dựng trên nền tảng vững chắc là sự tề trị của Đức Chúa Trời, trái ngược với những quốc gia bất trị ở xung quanh.
Đọc Đa-ni-ên 7:1–3. Có rất nhiều biến động trong đoạn này. Chúng ta có thể rút ra bài học gì từ những biểu tượng trong đoạn này, chẳng hạn như con thú thứ nhất nổi lên từ biển?
Tiên tri Đa-ni-ên nhìn thấy sự hỗn loạn của chiến tranh dân ngoại từ bờ biển, và thình lình các con thú bắt đầu xuất hiện trên đất liền—tại vùng lãnh thổ của ông! Những vấn đề của dân ngoại giờ đây đã trở thành vấn đề của dân tộc ông. Dân Chúa đã chọn sống theo lối sống của dân ngoại, nên giờ họ phải sống dưới quyền cai trị của dân ngoại. Bắt đầu từ sự thống trị của đế quốc Ba-by-lôn, tuyển dân của Đức Chúa Trời không bao giờ còn được thừa hưởng sự tự chủ trọn vẹn và lâu dài nữa.
Ngày nay dân Chúa mất quyền tự chủ sẽ còn tồn tại cho đến tận thế, khi Đấng Christ được phục hồi lại vị thế chân chính của Ngài là Vua của chúng ta. Trong Tân Ước, dân của Đức Chúa Trời đã tiếp tục chịu đau khổ dưới sự kiểm soát của Đế quốc La Mã và sau đó là sự đàn áp của cái sừng nhỏ, tức là kẻ kế vị La Mã ngoại giáo kia.
Mặc dù về mặt lịch sử, một số quốc gia đã tốt hơn những quốc gia khác, cũng như một số thời đại hòa bình hơn những thời đại khác, nhưng phần lớn lịch sử của các quốc gia, dân tộc và đế chế chỉ đi từ thảm kịch này sang thảm kịch khác, từ kẻ áp bức này sang kẻ áp bức khác. Và thường thì tất cả những đại họa này, lại xảy ra dưới thời những lãnh tụ luôn tuyên bố, mình có ý định tốt nhất cho người dân. Thật là một sự tương phản với sự cai trị mà Đức Chúa Trời đã dành cho dân Ngài, giá như họ đã chọn vâng lời Ngài.
Làm thế nào Rô-ma 3:10–19 giúp giải thích nhiều điều về thế giới của chúng ta? Đặc biệt, câu 19 cho thấy lý do tại sao chúng ta rất cần phúc âm trong cuộc sống của mình?
Hình ảnh đất và biển trong Kinh Thánh, đặc biệt là về lời tiên tri, mang tính cách chỉ dẫn người đọc rất nhiều. Biểu tượng đất và biển có sự tương phản rõ rệt.
“Về mặt biểu tượng, khi đất và biển đặt cạnh nhau, đất thường đại diện cho thế giới có trật tự, hoặc thậm chí là đất của Y-sơ-ra-ên, trong khi biển ám chỉ các quốc gia ngoại bang đe dọa Y-sơ-ra-ên, cũng như biển đe dọa đất liền”—Beatrice S. Neall, “Sealed Saints and the Tribulation” trong sách Symposium on Revelation, Quyển 1, ed. Frank B. Holbrook, (Silver Spring, MD: Biblical Research Institute, General Conference of Seventh-day Adventists, 1992), tr. 260.
Theo lối suy nghĩ này, đất đai là nơi ổn định, được thiết lập dưới sự tể trị của Đức Chúa Trời; biển tượng trưng cho sự hỗn loạn không ổn định của các quốc gia được thành lập dựa trên sự kiêu ngạo của con người.
Lấy ý tưởng nêu trên làm bối cảnh, hãy đọc Khải huyền 12:15, 16 và 13:1, 11. Hãy chú ý đến vị trí kề nhau giữa nước và đất. Chúng được sử dụng như thế nào và có thể dạy chúng ta gì về hiểu lời tiên tri?
Hãy chú ý rằng con rồng dùng nước để bắt bớ người phụ nữ (Hội thánh). Như chúng ta đã thấy, trong lời tiên tri, nước thường tượng trưng cho các chính quyền ở thế gian và sự hỗn loạn thường xảy ra với họ. Do đó, Sa-tan có thể sử dụng dân chúng như thế nào, dưới sự thúc giục của những người lãnh đạo, họ sẽ bắt bớ dân Đức Chúa Trời trong phần lớn lịch sử hội thánh.
Ngoài ra, các tín hữu Cơ Đốc Phục Lâm hiểu Khải Huyền 12:16 liên quan đến sự di cư của các tín đồ bị đàn áp đến Tân Thế Giới. Sự hiểu biết của chúng ta về đất và biển có ý nghĩa gì đối với sự hình thành nền Cộng hòa Mỹ?
Liệu chúng ta có thể coi Mỹ Quốc là “đất” giống như “Đất Hứa”—một nơi dành riêng cho dân Đức Chúa Trời không? Đây có thể là lý do tại sao con thú trên đất lúc đầu có vẻ giống cừu non? Mặc dù nước Mỹ chưa bao giờ thực sự là “nước Y-sơ-ra-ên Mới”, như một số nhà sáng lập ban đầu muốn nhìn nhận, trong một thời gian dài, nơi đây đã là vùng đất tự do tôn giáo cho hàng triệu người bị áp bức tôn giáo trên toàn thế giới.
Đáng tiếc thay, con thú giống như con chiên này một ngày nào đó, sẽ nói “như con rồng” (Khải huyền 13:11). Hoa Kỳ, từ lâu đã là ngọn hải đăng về tự do tôn giáo cho những người bị đàn áp, sẽ trở thành kẻ thống trị trong việc đàn áp tôn giáo! Đây là một ví dụ khác về những gì đã xảy ra khi loài người chọn cách tự cai trị, thay vì để Chúa quan phòng họ.
Hội Thánh còn sót lại được thành lập tại Hoa Kỳ, chính là nơi những người tìm kiếm tự do tôn giáo đã lánh nạn trong thế kỷ 17 và 18. Với những trở ngại bắt bớ tôn giáo và chính trị đã tồn tại từ lâu ở các nơi khác, chắc chắn rằng phong trào mới này [hội thánh còn sót lại] không có thể khởi phát nhanh chóng và mạnh mẽ ở bất cứ nơi nào khác ngoài Hoa Kỳ.
Hãy đọc Khải huyền 10:1–11 mô tả sự ra đời của phong trào được tiên tri này. Tìm kiếm một số yếu tố mà chúng ta đã nghiên cứu, chẳng hạn như “các quốc gia,” đất liền và biển. Hãy suy ngẫm thật cẩn thận để không suy diễn quá nhiều từ đoạn này, bạn có thể tìm thấy những hiểu biết sâu sắc nào từ câu chuyện này?
Thiên sứ kêu lớn tiếng, giống như ba thiên sứ trong Khải huyền 14 và thiên sứ trong Khải huyền 18 đã làm. Đây là thời điểm cấp bách trong lịch sử, khi công việc của hội thánh còn sót lại được thành lập vì lợi ích của “nhiều dân nhiều nước, nhiều tiếng và nhiều vua nữa” (Khải huyền 10:11).
Thiên sứ cầm một “cuốn sách nhỏ”—có thể là sách Đa-ni-ên (xem Đani-ên 12:4)—cuốn sách này được mở ra lần đầu tiên sau nhiều thế hệ. Thiên sứ có một chân trên biển và một chân khác trên đất. Điều này có thể liên quan đến ý tưởng rằng sứ điệp bao trùm toàn cầu, cả Thế giới Cổ xưa và Thế giới ngày nay. Nó cũng có thể ám chỉ ý tưởng rằng sứ điệp này dành cho tất cả các quốc gia: Những người sống trên đất liền và những người sống ở biển—“Dân ngoại.”
Cuối cùng, thế giới sẽ được chiếu sáng bằng vinh quang của Chúa, và những sứ điệp cuối cùng của Khải huyền 14 sẽ được rao truyền đến mọi người. Như quốc gia Y-sơ-ra-ên, sứ mạng của chúng ta với tư cách là một hội thánh là phải rao giảng phúc âm “Tin lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến.” (Ma-thi-ơ 24:14).
Đức Chúa Trời đang hướng lịch sử nhân loại tới một kết thúc vĩ đại: sự kết thúc của các đế quốc loài người và sự đăng quang nước đời đời của Đấng Christ. Đọc Đa-ni-ên 2:34, 35, 44, 45. Kinh Thánh nói rõ ràng rằng tất cả các vương quốc trần gian này sẽ bị tiêu diệt, không còn một dấu vết nào, và những gì xấu xa của thế gian sẽ được thay thế bằng vương quốc vĩnh cửu của Đức Chúa Trời, nơi mà tội lỗi, đau khổ, bệnh tật, điều ác và sự chết sẽ không bao giờ xuất hiện một lần nào nữa.
Hãy nghiên cứu những lời tiên tri trong Đa-ni-ên 2 và 7 đã báo trước chính xác về sự trỗi dậy và sụp đổ của tất cả các đế quốc trần gian này. Tại sao sự chính xác này (càng đáng kinh ngạc hơn nếu bạn nghĩ về thời điểm sách Đa-ni-ên được viết), có thể giúp chúng ta tin cậy Đức Chúa Trời và lời hứa về vương quốc cuối cùng và vĩnh cửu của Ngài?
NGHIÊN CỨU BỔ TÚC:Đọc sách của Ellen G. White “Patriarchs and Prophets”, chương “Tháp Ba-bên,” tr. 117–124,
“‘Đoạn, tôi thấy trời mới và đất mới; vì trời thứ nhất và đất thứ nhất đã biến đi mất, và biển cũng không còn nữa’ (Khải huyền 21:1). Ngọn lửa tiêu diệt kẻ ác, làm sạch địa cầu. Mọi dấu vết rủa sả được quét đi. Trước mắt những người được chuộc, không có hỏa ngục cháy đời đời là hậu quả đáng sợ của tội lỗi.
Duy chỉ một điều nhắc nhở: Đấng Cứu Chuộc chúng ta sẽ mãi mãi mang dấu đinh. Trên đầu thương tích, bên sườn, nơi tay và chân của Ngài, đều lưu dấu vết của việc làm độc ác do tội lỗi gây nên. Nhìn xem Đấng Christ trong sự vinh hiển, tiên tri miêu tả, “Sự chói rạng Ngài như ánh sáng, những tia sáng ra từ tay Ngài, quyền năng Ngài giấu trong nơi đó” (Ha-ba-cúc 3:4). Tại nơi sườn bị đâm thủng, tuôn trào dòng huyết thắm, có khả năng làm con người hòa thuận với Đức Chúa Trời, nơi đó có sự vinh hiển của Đấng Cứu Thế, nơi đó “quyền năng Ngài giấu kín.” “Có quyền lực cứu rỗi,” bởi sự hy sinh cứu chuộc, Ngài có quyền thực hành công lý trên những người đã coi thường lòng thương xót của Đức Chúa Trời. Bằng chứng về sự hạ mình là danh dự cao quý nhất của Ngài trên núi Sọ, sẽ là đề tài ngợi khen, và bày tỏ quyền năng Ngài.”—Ellen G. White, Thiện Ác Đấu Tranh, tr. 596.
ĐỀ TÀI THẢO LUẬN:
Bài Học 4, 19 – 25 Tháng 4
KINH THÁNH NGHIÊN CỨU: Sáng thế Ký 10:1–12; 12:1–9, 1 Sa-mu-ên 8:4–18, Ma-thi-ơ 20:25–28, Khải huyền 18:1–4.
CÂU GỐC: ‘“Người được ban cho quyền thế, vinh hiển, và nước; hầu cho hết thảy các dân, các nước, các thứ tiếng đều hầu việc người. Quyền thế người là quyền thế đời đời chẳng qua đi, và nước người không bao giờ phải hủy phá”’ (Đa-ni-ên 7:14).
Vườn Ê-đen được tạo ra như một ngôi nhà hoàn hảo cho nhân loại. Khi tội lỗi xâm nhập, Chúa buộc phải tạm thời tách loài người ra khỏi vườn Ê-đen và cây sự sống.
Khi bị đuổi khỏi vườn Ê-đen, loài người phải làm việc vất vả để tự nuôi sống mình. Cuộc sống trở nên khó khăn hơn; chúng ta phải chịu đau khổ và khó nhọc mới có vật đất sanh ra mà ăn (Sáng thế Ký 3:16–19). Tổ phụ của chúng ta tin rằng, Đức Chúa Trời là Đấng Công Bình sẽ mở đường để loài người có thể trở lại vườn Ê-đen, và họ mang lễ dâng đến cửa vườn Ê-đen với niềm hy vọng vào sự cứu rỗi, mà Chúa đã hứa từ lúc ban đầu cho thế giới tội lỗi này.
“Vườn Ê-đen vẫn tồn tại trên đất khá lâu sau khi con người bị đuổi ra khỏi sự phước hạnh tại khu vườn. A-đam và con trai đến cửa vườn để thờ phượng Đức Chúa Trời, và họ hứa nguyện vâng theo luật pháp mà sự vi phạm đã buộc họ phải rời khỏi vườn Ê-đen. Khi tội lỗi lan rộng trên thế giới và lòng hung ác của con người đã dẫn đến đại hồng thủy, thì chính bàn tay Thiên Thượng tạo ra vườn Ê-đen đã cất vườn khỏi trần gian tội lỗi này. Tuy nhiên, khi “trời mới đất mới” (Khải Huyền 21:1) được tạo nên trong sự phục hồi cuối cùng, nó sẽ được trang hoàng lộng lẫy hơn lúc ban đầu.”—Ellen G. White, Patriarchs and Prophets, tr. 62.
Mặt khác, những người khác tập trung vào các “giải pháp” nhân tạo cho các vấn đề mới phát sinh và dẫn đến sự phát triển của các nước có thành bao phủ, một nỗ lực để cho cuộc sống dễ dàng hơn và có thể khôi phục lại những gì đã mất ở Ê-đen.
Đọc Sáng thế Ký 10:1–12. Đây là phần Kinh Thánh giới thiệu một số nhân vật chính trị quan trọng, xuất hiện xuyên suốt Kinh Thánh, bao gồm thành Ni-ni-ve và Ba-by-lôn. Dựa trên những gì chúng ta biết về vai trò của 2 thành phố, chúng ta có thể suy luận được điều gì từ những câu Kinh Thánh này?
Một số người đã đọc về Nim-rốt và nghĩ rằng ông là một anh hùng vĩ đại, giống như các anh hùng trong thần thoại ngoại giáo. Nhưng khi Kinh Thánh mô tả ông là ‘một anh hùng trên mặt đất’ và ‘một tay thợ săn can đảm trước mặt Đức Giê-hô-va’, nhưng đó không phải là lời khen. Vua Nim-rốt tự cho mình là vĩ đại và thách thức Chúa. Những câu này cho thấy sự lan rộng của cuộc nổi loạn chống lại Đức Chúa Trời, một cuộc nổi loạn sẽ tiếp tục cho đến khi tất cả đều bị xóa bỏ vĩnh viễn.
Tại sao tội phản nghịch Chúa lại tinh vi hơn những gì chúng ta có thể dễ dàng nhận ra? Làm thế nào bạn và tôi có thể tự bảo vệ mình trước tính yếu đuối này của con người?
Trong chương 10 của sách Sáng thế Ký, chúng ta thấy sự ra đời của nhiều dân tộc khác nhau. Từ “goyim” thường được dịch là “các dân tộc”, cũng có thể ám chỉ đến dân ngoại. Sáng thế Ký chương 10 cho chúng ta biết rằng loài người chia đất đai, ngôn ngữ, gia đình và “dân tộc” (Sáng thế Ký 10:5; xem thêm Khải huyền 14:6).
Hầu như ngay sau khi khái niệm này xuất hiện, Đức Chúa Trời đã gọi Áp-ra-ham ra khỏi một trong những dân tộc đó để trở nên khác biệt với họ và với những gì họ theo đuổi.
Đọc Sáng thế Ký 12:1–9. Tại sao Đức Chúa Trời gọi Áp-ram (sau này là Áp-ra-ham) ra khỏi quê hương?
Đức Chúa Trời chọn Áp-ra-ham để thành lập một nước tương phản với các vương quốc loài người, không có vua nào khác ngoài Đức Chúa Trời. Mục đích của dân tộc này là để cho thế giới thấy kết quả tốt lành nếu loài người quay trở về với Đấng Tạo Hóa. Nước Y-sơ-ra-ên được thành lập để làm nguồn phước cho các dân tộc khác (Sáng thế Ký 12:3). Đức Chúa Trời đã tuôn đổ trên họ sự thông sáng và đặc quyền chưa từng có trước thời Đại hồng thuỷ.
Đọc Phục truyền luật lệ Ký 4:5–9. Đức Chúa Trời đã phán điều gì với con cháu của Áp-ra-ham, là dân tộc đã trở thành sự chu toàn của lời hứa Đức Chúa Trời dành cho Áp-ra-ham?
Đây không phải là một cá nhân làm chứng cho một cộng đồng duy nhất; đây là cả một quốc gia, bằng cách làm việc cùng nhau và chung tay với Đức Chúa Trời, nhờ đó họ bày tỏ sự vinh hiển trong bản tính của Ngài. Cũng hãy lưu ý, những lời Đức Chúa Trời phán bảo với họ không chỉ là “những luật lệ và phán quyết” để làm họ trở nên đặc biệt, nhưng việc họ vâng giữ những luật đó, sẽ khiến các quốc gia khác phải nói rằng: “Dân nầy là một dân khôn ngoan và thông sáng có một không hai!” (Phục truyền 4:6). Cho dù các lẽ thật được ban cho con người có tuyệt vời đến đâu đi nữa, việc họ không sống theo những lẽ thật đó, không tuân theo chúng, thì chỉ mang lại những lời nguyền rủa, thay vì phước lành, và sự chết, thay vì sự sống.
Nguyên tắc “không phải chỉ biết nhưng phải vâng theo lẽ thật” áp dụng cho chúng ta là những người Cơ Đốc Phục Lâm hiện nay như thế nào?
Như đã được sáng lập, quốc gia Y-sơ-ra-ên không được phép có một vua như các quốc gia khác. Tuy nhiên, sau một thời gian, đức tin của họ bị dao động và họ bắt đầu mong muốn có vua như “các dân tộc” ngoại.
Hãy đọc 1 Sa-mu-ên 8:4–18. Theo bạn, tại sao các trưởng lão thấy có vua là một ý hay? Chúng ta có thể rơi vào những cám dỗ tương tự như thế nào?
Điều quan trọng cần lưu ý ở đây là việc đòi hỏi phải có một vua, cũng đồng nghĩa với hành động bác bỏ quyền trị vì của Đức Chúa Trời trên dân sự Ngài. Theo như được sáng lập lúc đầu, dân tộc này phải trực tiếp tuân phục Đấng Tạo Hóa, và mối tương giao với Ngài được thể hiện qua đền thờ và các nghi lễ tôn giáo. Khi đòi hỏi một vua, họ tự mang đến cho mình những gánh nặng khổ đau, giống như dân các vương quốc ngoại bang đã trải qua: Nghĩa vụ quân sự trong các cuộc chiến tranh của vua, tịch thu tài sản, thuế má, và nhiều tai ương khác. Họ sẽ nhận ra rằng các nhà cầm quyền nơi thế gian này, thường cai trị thiên vị và độc đoán vì lợi ích cá nhân riêng, thay vì cai trị một cách nhân từ như Đức Chúa Trời.
Ngoài ra, sự thiết lập chính trị mới này sẽ là vĩnh viễn: Dân Y-sơ-ra-ên sẽ có được những gì họ yêu cầu, nhưng khi nhận ra rằng đó là một tình trạng hạ cấp, họ sẽ phải chấp nhận nó. “Bấy giờ các ngươi sẽ kêu la vì cớ vua mà các ngươi đã chọn, nhưng Đức Giê-hô-va không nghe các ngươi đâu” (1 Samu-ên 8:18).
Đức Chúa Trời hiểu rõ sự yếu đuối của dân Ngài, và Ngài đã báo trước từ sớm rằng dân Y-sơ-ra-ên sẽ đòi hỏi một vua. Họ đã làm như vậy, và phần lớn lịch sử của họ là câu chuyện về những hậu quả của sự lựa chọn đó.
Đọc Phục truyền luật lệ Ký 17:14–20. Hãy lưu ý rằng Đức Chúa Trời không phán: “Ta sẽ ban cho chúng một vua”, mà thay vào đó, dân Ngài quyết định rằng họ muốn có một vua. Đức Chúa Trời phòng đặt các phương cách bảo vệ dân Ngài khỏi một số tội ác của chính quyền loài người. Tuy nhiên, như lịch sử của các nước và của các vương quân cho thấy, các biện pháp bảo vệ mà Chúa ban cho thường bị bỏ qua.
Chỉ cần nhìn vào lịch sử của nước Y-sơ-ra-ên sau khi họ quyết định có một vua, là có thể thấy rõ mọi thứ đã tồi tệ đến mức nào dưới triều đại của các vua thế gian. Dù một số vua có phẩm hạnh tốt hơn các vua khác, nhưng ngay cả những người “tốt” cũng đã phạm sai lầm (hãy nghĩ đến vua Đa-vít và bà Bát-sê-ba). Trong nhiều trường hợp, dân Y-sơ-ra-ên đã phải sống dưới sự cai trị của các bạo chúa liên tiếp, những kẻ đã làm “điều ác trước mắt Chúa.” (xem 1 Các vua 11:6, 1 Các vua 15:26, 16:30, 2 Các vua 3: 2, v.v.).
Lúc đó hoặc thậm chí ngày nay, tất cả các chính phủ của loài người đều có chung một điểm: Tội nhân cai trị tội nhân khác. Điều gì bảo đảm hiện trạng này sẽ không dẫn đến những thảm trạng?
Cách Chúa đối đãi dân Y-sơ-ra-ên giúp chúng ta hiểu biết sâu sắc hơn về cách Ngài đối đãi với hội thánh Tân Ước. Thực tế, kinh nghiệm của dân Y-sơ-ra-ên có nhiều khía cạnh tiên tri về những sai lầm mà hội thánh có thể mắc phải. Thay vì tuyên bố mình tốt hơn so với Y-sơ-ra-ên cổ đại, các Cơ Đốc nhân đã và đang rất dễ bị cám dỗ giống như họ.
Đọc Ma-thi-ơ 20:25–28. Đức Chúa Giê-su đã cảnh báo các môn đồ của Ngài phải tránh sai lầm nào trong việc thiết lập công việc của hội thánh?
Dân Y-sơ-ra-ên cầu xin một vị vua ở trần gian này, một sự đòi hỏi đã dẫn đến sự sa đọa đạo đức của cả một dân tộc. Các vua ngày càng trở nên độc ác hơn cho đến khi Đức Chúa Trời cho phép người Ba-by-lôn bắt dân Ngài làm phu tù để sửa phạt.
Một điều tương tự đã xảy ra trong lịch sử hội thánh Cơ Đốc. Dù không được tổ chức như dân ngoại bang, nhưng khi hoàng đế Constantine lên nắm quyền và tuyên bố mình là Cơ Đốc nhân, các tín đồ cảm thấy an tâm: Sự bách hại đã kết thúc! Họ cho rằng đây là một phước lành, và sau đó họ nhận thấy rằng họ có thể sử dụng quyền lực của hoàng đế cho lợi thế của mình.
Nhiều cuộc xung đột lớn xảy ra giữa những người theo đạo Cơ Đốc vào thế kỷ thứ tư, và khi hội thánh thấy mình không có khả năng giải quyết, họ đã kêu gọi hoàng đế can thiệp. Kể từ thời điểm này trở đi, giám mục của Lamã đã trở nên nổi bật, trong khi trước đó ông chỉ là một trong số các giám mục cao cấp bình thường. Hội thánh đã nhờ nhà nước can thiệp vào các vấn đề tôn giáo, và một khi nhà nước đã xen vào, mọi chuyện chỉ thêm tồi tệ.
Giống như dân Y-sơ-ra-ên ngày xưa, nhiều chương đen tối nhất trong lịch sử Cơ Đốc giáo là hậu quả trực tiếp của sự thỏa hiệp giữa hội thánh với thế gian. Như dân Y-sơ-ra-ên chuyển sang thờ hình tượng và các vua của họ bị ô uế bởi những tham vọng quyền lực (đến mức dâng cả trẻ con cho các thần), hội thánh cũng dần dần áp dụng nhiều phương tiện và phương pháp của một đế quốc ngoại giáo, đến mức nhiều tín đồ trung tín đã tuẫn đạo, vì bị coi là mối đe dọa đối với thể chế quốc gia giáo hội
Trong nền văn hóa và xã hội của bạn hiện tại, những cám dỗ tương tự có thể gây nguy hiểm cho đức tin của chúng ta bằng cách nào?
Mục đích chính mà Đức Chúa Trời thành lập quốc gia Y-sơ-ra-ên, không phải là để lên án các nước khác mà là để cứu rỗi họ. Chắc chắn, hầu hết chúng ta đều cảm thấy bị lên án khi phải đối mặt với những việc chính trực của người khác; vì vậy sự hiện hữu của quốc gia Y-sơ-ra-ên cũng làm nổi bật tội lỗi và sự ích kỷ của các quốc gia xung quanh họ. Các tín đồ sống theo ý Chúa, bày tỏ bản tính công bình của Ngài, tự nhiên giúp người chung quanh cũng trở nên tin Chúa. Đời sống của những người biết “giữ các điều răn của Đức Chúa Trời” (Khải huyền 14:12), bày tỏ hữu hiệu nhất bản tính yêu thương của Ngài.
Tuy nhiên, nếu dân Y-sơ-ra-ên đã làm đúng bổn phận theo như những gì được khuyên dạy, các quốc gia sẽ đến với họ trong hòa bình, tìm cách biết thêm về họ và Đức Chúa Trời của họ. Ngược lại, đáng buồn thay, như thảm trạng họ bị lưu đày ở Ba-by-lôn, cho thấy các quốc gia này lại tiến hành chiến tranh với họ.
Dĩ nhiên, người bày tỏ rõ nhất bản tính của Đức Chúa Trời là Đức Chúa Giê-su—con người duy nhất đã bày tỏ Đức Chúa Trời một cách hoàn hảo. Tấm gương hoàn hảo của Ngài, đương nhiên mang lại niềm tin chắc chắn trong lòng mỗi người, Ngài kêu gọi mọi người đến với lẽ thật (xin xem Giăng 3:16–21).
Mục đích tối hậu của việc thành lập quốc gia Y-sơ-ra-ên cũng giống như mục đích của Đức Chúa Trời khi thành lập hội thánh: Ngài mong muốn dân Ngài đi ra để kêu gọi tội nhân trở về tin nhận Đấng Christ. Lời kêu gọi trong sứ điệp ba thiên sứ, được rao truyền qua hội thánh của Ngài, không phải rao giảng cho một số ít người được chọn, mà cho “mọi nước, mọi chi phái, mọi tiếng và mọi dân tộc” (Khải huyền 14:6). Khải huyền 18:1 tiên tri rằng cả trái đất sẽ sáng rực trong vinh hiễn của Đức Chúa Trời trước khi Đấng Christ tái lâm.
Những câu sau đây dạy chúng ta điều gì về những dự định mà Đức Chúa Trời dành cho dân Ngài trong thế giới này? Làm thế nào chúng ta có thể áp dụng những nguyên tắc này cho chính mình?
(a) Dân số Ký 14:17–21
(b) Ê-sai 42:6, 49:6 và 60:3
(c) Khải huyền 18:1–4
Đọc lại Khải huyền 18:1–4, lời kêu gọi “dân ta”; tức là dân của Đức Chúa Trời sẽ ra khỏi Ba-by-lôn. Điều này sẽ xảy ra như thế nào? Nói cách khác, làm thế nào Chúa có thể sử dụng chúng ta như là một hội thánh bên ngoài Ba-by-lôn, để kêu gọi dân của Chúa vẫn còn ở Ba-by-lôn?
NGHIÊN CỨU BỔ TÚC:Ê-sai 44:24–45:13.
“Lần lần và bắt đầu cách âm thầm, về sau công khai khi quyền thế ấy tăng thêm sức mạnh và điều khiển được tâm trí con người, ‘sự mầu nhiệm của điều bội nghịch’ tiến hành công việc lừa dối và phạm thượng. Những tục lệ ngoại giáo xâm nhập vào hội thánh hầu như không ai nhận thức được. Tinh thần hòa giải và tuân thủ đã bị ngăn cản một thời gian vì những cơn bắt đạo dữ dội mà hội thánh phải trải qua trong thời ngoại giáo. Nhưng khi sự bắt bớ chấm dứt, và Cơ Đốc nhân được chấp nhận trong pháp đình và cung điện, thì hội thánh bỏ sự đơn giản khiêm tốn của Đấng Christ và của các sứ đồ để chạy theo sự xa hoa và khoe khoang của các thầy tế lễ và các nhà lãnh đạo ngoại giáo; và thay thế luật pháp Đức Chúa Trời bằng những lý thuyết và lời truyền khẩu của loài người. Vua Constantine tiếp nhận đạo chỉ vì danh nghĩa vào đầu thế kỷ thứ tư đem lại sự vui mừng lớn lao; và những người khoác áo tin kính bề ngoài gia nhập vào hội thánh rất đông. Từ đó sự bại hoại tăng lên nhanh chóng. Ngoại giáo dường như biến mất, nhưng thật ra đã chiến thắng. Tinh thần ngoại giáo chế ngự hội thánh. Những giáo lý, nghi lễ và sự mê tín được kết hợp với đức tin và sự thờ phượng của những người tự xưng là môn đồ Đấng Christ”—Ellen G. White, Thiện Ác Đấu Tranh, tr. 45, 46.
Như câu hỏi ở cuối bài học ngày thứ Tư, phải chăng tất cả chúng ta đều không gặp nguy hiểm, nhất là khi giáo hội của chúng ta tồn tại càng lâu dài hơn, “bỏ qua sự khiêm nhường của Đấng Christ và các sứ đồ” để theo đuổi những hào hoa, quyền lực, ca tụng và những cám dỗ của thế gian? Nếu chúng ta nghĩ mình không phải vậy thì chúng ta đang tự lừa dối chính mình.
ĐỀ TÀI THẢO LUẬN:
Bài Học 4, 19– 25 Tháng 4
KINH THÁNH NGHIÊN CỨU: Sáng thế Ký 2:23–25, Ê-phê-sô. 5:29– 32, Ê-xê-chi-ên 16:4–14, Khải huyền 18:1–4, Sáng thế Ký 24:1–4, Khải huyền 19:1–9.
CÂU GỐC: “’Thiên sứ phán cùng tôi rằng: Hãy chép: Phước thay cho những kẻ được mời đến dự tiệc cưới Chiên Con! Người lại tiếp rằng: Đó là những lời chân thật của Đức Chúa Trời’” (Khải huyền 19:9).
Ít có ẩn dụ nào trong Kinh Thánh nhấn mạnh tình thân mật mà Đức Chúa Trời muốn có với loài người, hơn là ẩn dụ về hôn nhân. Ẩn dụ này được sử dụng rất thường xuyên trong các câu chuyện Kinh Thánh và được trình bày một cách rõ ràng trong sách Khải huyền. Vì vậy, người học Kinh Thánh cần phải hiểu rõ ý nghĩa, mà Đức Chúa Trời muốn truyền đạt, khi Ngài sử dụng ẩn dụ này trong Lời Ngài.
Đọc Sáng thế Ký 2:23-25 và Ê-phê-sô 5:29-32. Hôn nhân của con người phản ánh mối liên kết của Đấng Christ với nhân loại như thế nào?
Trong một dịp khi Đức Chúa Giê-su đang nói chuyện với những người Pha-ri-si, Ngài đã trích dẫn câu chuyện trong Sáng thế Ký, về cuộc hôn nhân của A-đam và Ê-va, khiến người Pha-ri-si nhanh chóng đặt câu hỏi: “Họ lại hỏi Ngài rằng: Vậy chớ sao Môi-se đã dạy lập tờ để đặng để vợ đi?” (Ma-thi-ơ 19:7).
Môi-se, dĩ nhiên, được xem là nhà tiên tri đầu tiên của dân tộc. Hãy tưởng tượng việc thách thức Chúa, là Đấng đã thiết lập lễ hôn nhân, bằng cách chống đối và dẫn chứng những lời giảng của những nhà tiên tri của Ngài. Đây là cách mà họ hay dùng khi tiếp cận Chúa Giê-su: họ thường cố gắng chứng minh rằng những lời dạy của Ngài mâu thuẫn với Kinh Thánh.
Hôn nhân chung thủy trọn đời là lý tưởng được Đức Chúa Trời thiết lập khi tạo dựng nên loài người. Thật đáng tiếc, nhân loại sa ngã đã làm hỏng món quà quý báu này.
Có lẽ, với tầm quan trọng mà Kinh Thánh dành cho hôn nhân, không phải ngẫu nhiên mà hôn nhân luôn luôn bị tấn công. Cùng với ngày Sa-bát, hôn nhân là một trong hai món quà, mà Đức Chúa Trời đã ban tặng cho chúng ta ở vườn Ê-đen. Cả hai đều có sứ mạng bày tỏ mong muốn của Đấng Tạo Hóa, về một mối tương giao mật thiết với tạo vật của Ngài.
Hôn nhân, sự kết hợp mật thiết của hai con người không hoàn hảo, sẽ luôn gây ra căng thẳng. Cuộc hôn nhân giữa hội thánh và Đấng Christ, là sự kết hợp giữa một Đấng Cứu Rỗi hoàn hảo với một cô dâu đầy khiếm khuyết. Tuy nhiên, chúng ta có thể thấu hiểu về tình yêu thương của Đức Chúa Trời, qua những gì một cuộc hôn nhân lý tưởng mang lại.
Dưới đây là ba nguyên tắc cho hôn nhân. Thứ nhất, hãy tha thứ cho người bạn đời của bạn, dù họ không xứng đáng, như Đấng Christ đã tha thứ cho mỗi người, dù chúng ta chẳng xứng đáng. Thứ hai, hãy chấp nhận người bạn đời của mình, với tất cả các khuyết điểm của họ, như Đấng Christ đã chấp nhận chúng ta, với tất cả các khuyết điểm của chúng ta. Thứ ba, như Đấng Christ đã đặt chúng ta quan trọng hơn bản thân Ngài, hãy đặt người bạn đời của bạn lên trên bản thân mình. Ba nguyên tắc này, dựa trên Phúc âm, có thể giúp chúng ta không chỉ hiểu thêm về cách Đức Chúa Trời tương giao với chúng ta, mà còn giúp cho bất kỳ cuộc hôn nhân nào?
Trong Ê-xê-chi-ên 16, chúng ta thấy một hình ảnh rất đáng ngạc nhiên về tình yêu thương của Chúa dành cho dân Ngài. Tiên tri Ê-xê-chi-ên miêu tả Y-sơ-ra-ên như một đứa trẻ bị bỏ rơi, nằm trong cánh đồng chờ chết. Chúa đưa cô bé tượng trưng cho dân Ngài về nhà, chăm sóc và khi cô bé lớn lên, Ngài lấy cô làm vợ. Đây là một hình ảnh gây nhiều ấn tượng về một cuộc hôn nhân khó ngờ đến.
Hãy đọc Ê-xê-chi-ên 16:4–14. Những chi tiết về sự cao quý của cô dâu này cho chúng ta biết điều gì về ý định của Chúa đối với chúng ta?
Chúa phán với dân Y-sơ-ra-ên rằng, nhờ sự chăm sóc của Ngài, cô đã trở nên “vô cùng xinh đẹp” (Ê-xê-chi-ên 16:13). Khi Chúa lần đầu gặp cô, không ai cho rằng cô xinh đẹp; cô bị bỏ rơi, bị coi thường trong số các đứa con khác, bị bỏ rơi và có thể cô sẽ bị chết. Nhưng khi Chúa quan tâm đến cô, cô dần trở nên xinh đẹp hơn từng ngày, đến mức cô trở thành chủ đề được nói đến trên toàn thế giới. Trong thời kỳ đầu của các vua Do Thái, dưới triều đại của Đa-vít và Sa-lô-môn, điều này đặc biệt được nhắc đến. Ngay cả Nữ vương nước E-thi-ô-bi cũng đã có chuyến đi đặc biệt để ngắm nhìn sự lộng lẫy của nước Y-sơ-ra-ên!
Tuy nhiên, vẻ đẹp của Y-sơ-ra-ên hoàn toàn là món quà của Chúa. Cô ấy xinh đẹp—là lời bàn tán của các quốc gia—chính vì là nàng dâu của Ngài. Chúa phán rằng vẻ đẹp của nàng “Danh tiếng mầy lừng lẫy trong các nước bởi sắc đẹp mầy vì sự đẹp là trọn vẹn bởi oai nghi của ta mà ta đã đặt trên mầy, Chúa Giê-hô-va phán vậy” (Ê-xê-chi-ên 16:14).
Đây là một chủ đề được lặp đi lặp lại trong Kinh Thánh: Cô dâu của Chúa xinh đẹp, không phải vì bất cứ điều gì cô ấy đã làm mà vì Chúa đã ban ân huệ cho cô ấy và khiến cô ấy trở nên xinh đẹp như vậy. Cũng một lẽ ấy, những người tin Chúa trở nên xinh đẹp trong mắt Thiên đàng không phải vì bất cứ điều gì chúng ta đã làm để xứng đáng, mà là nhờ ơn của Chúa, nhờ hồng ân cứu rỗi mà Ngài đã ban cho ta. Ta xinh đẹp vì ta được bao phủ bởi sự công bình của Ngài, “Chúa đã làm cho Đấng vốn chẳng biết tội lỗi trở nên tội lỗi vì chúng ta, hầu cho chúng ta nhờ Đấng đó mà được trở nên sự công bình của Đức Chúa Trời” (2 Cô-rinh-tô 5:21).
Mọi thứ ban đầu đều tốt đẹp, nhưng sau đó trong sách Ê-xê-chi-ên có câu tiếp theo: “Nhưng mầy cậy sắc đẹp mình; cậy danh tiếng mình mà buông sự dâm dục, hành dâm cùng mọi kẻ trải qua, phó mình mầy cho nó” (Ê-xê- chi-ên 16:15).
Ta được tạo dựng để phản ánh sự tốt lành và vinh hiển của Chúa. Khi tạo vật của Ngài cho rằng vẻ đẹp của họ là do chính họ, thì vẻ đẹp đó trở nên vô giá trị và sẽ gặp hoạn nạn.
Những nguy hiểm khi tin vào “vẻ đẹp của riêng mình” là gì? Đó là khi ta nghĩ rằng có điều gì trong bản thân mình làm cho chúng ta xứng đáng với Chúa hoặc đáng nhận được tình yêu Ngài. Làm thế nào để bạn luôn cảnh giác trước lòng kiêu ngạo tâm linh?
Mệnh lệnh của Đức Chúa Trời đối với tiên tri Ô-sê có lẽ là một trong những sứ mạng kỳ lạ nhất, từng được giao cho một trong những tôi tớ Ngài: Lấy một kỹ nữ làm vợ! Tuy nhiên, Đức Chúa Trời đã dùng Ô-sê để giúp chúng ta hiểu rõ hơn tâm trạng của Ngài trong nỗi đau mà tội lỗi và sự phản nghịch của con người gây ra. Ngài đã yêu thương và chọn lựa một người vợ là Y-sơ-ra-ên, nhưng người nữ này lại liên tục phản bội Ngài. Dẫu vậy, thật lạ lùng, Ngài vẫn tha thứ và mong muốn Y-sơ-ra-ên được biến đổi.
So sánh Ô-sê 1:2; 3:1; Khải huyền 17:1, 2; và Khải huyền 18:1–4. “Lầu xanh” (harlotry) được đề cập ở đây là gì? Hội thánh Cơ Đốc có thể học được bài học gì từ câu chuyện Ô-sê? Bằng những cách nào hội thánh đã lặp lại tội lỗi trong Cựu Ước?
Kinh Thánh cho biết rằng những lỗi lầm của dân Y-sơ-ra-ên trong Cựu Ước sẽ tái diễn rất nhiều trong Hội thánh của Đấng Christ thời Tân Ước. Dân Đức Chúa Trời đã đi lạc và xa cách Ngài trước khi bị lưu đày, mang những tập tục thờ thần tượng từ các quốc gia láng giềng vào trong đất nước của họ, là quốc gia có giao ước với Đức Chúa Trời. Vào đầu thế kỷ thứ tư, Hội thánh Cơ Đốc thời ấy đoán thấy lợi thế nên thỏa hiệp với hoàng đế La mã Constantine, và mời ông giải quyết các tranh chấp trong hội thánh. Cứ như vậy, dân sự Chúa rời xa mối tương giao với Ngài để tìm “giải pháp” cho những vấn đề mà họ cho là cần phải giải quyết.
Các lời lẽ Đức Chúa Trời đã chọn cho thấy không những Ngài chỉ ra những lỗi lầm chúng ta đã phạm, mà còn bày tỏ cảm xúc của Ngài. Những ai đã từng bị bạn đời phản bội, có thể nếm trải được phần nào cảm giác choáng váng của thiên đàng trước sự bội phản của chúng ta đối với Đấng Christ. Phần đáng sửng sốt nhất trong câu chuyện tiên tri Ô-sê chính là cái giá cực kỳ cao, mà vị tiên tri này đã trả để chuộc lại người vợ lạc lối của mình.
Khi chúng ta nghe lời kêu gọi cuối cùng dành cho nhân loại, kêu gọi dân Chúa ra khỏi Ba-by-lôn, điều đáng chú ý là Ngài kêu gọi chính dân Ngài, chứ không phải ai đâu xa lạ. Ngài thấu hiểu và yêu thương họ. Khi thế giới đang ở trong những giờ phút đen tối nhất, Ngài vẫn luôn ban mời sự cứu rỗi, mà Ngài đã trả bằng huyết của Ngài để chuộc chúng ta. Thập tự giá của Đấng Christ, hơn bất cứ điều gì khác, cho chúng ta thấy Đức Chúa Trời tha thiết muốn cứu vớt con dân lạc lối của Ngài đến dường nào.
Ngày nay, có những cách nào mà bất kỳ giáo hội nào, kể cả giáo hội của chúng ta, có thể đang gần gũi quá với hành động ngoại dâm (fornication) thuộc linh?
Khi Áp-ra-ham đã già và suy nghĩ về những lời hứa của Chúa cho dòng dõi mình (xem Sáng thế Ký 15:5), ông liền giao cho người đầy tớ lớn tuổi nhất và đáng tin cậy nhất của mình một nhiệm vụ quan trọng.
Đọc Sáng thế Ký 24:1–4. Tại sao con trai Áp ra ham không kết hôn với “con gái dân Ca-na-an” (Sáng thế Ký 24:3) lại quan trọng đối với ông đến vậy?
Dù lời cảnh báo của Áp-ra-ham có vẻ khắt khe, nhưng vấn đề đối với ông là tâm linh chứ không phải chủng tộc; là vấn đề thần học chứ không phải vấn đề quốc gia. Áp-ra-ham hiểu rõ sự suy đồi đạo đức trong các nghi lễ tôn giáo của người Ca-na-an, chưa kể đến việc thờ cúng các thần giả. Ông biết rõ con trai mình dễ dàng sa vào những công việc gian ác này, nếu cưới một người trong số họ.
Thật sự, lịch sử của nước Y-sơ-ra-ên cổ đại và Hội thánh Cơ Đốc trải qua nhiều thế kỷ, đã cho thấy rằng dân sự Chúa—những người đúng lý ra phải là nhân chứng cho thế giới—lại lạc vào thế giới sa ngã cùng với những giáo lý sai lầm. Ví dụ điển hình là việc thay thế ngày Sa-bát thứ Bảy theo Kinh Thánh bằng ngày thứ nhất của ngoại giáo, ngày thờ thần mặt trời. Đây sẽ là một vấn đề càng trở nên quan trọng thời mạt thế.
Hãy đọc Sáng thế Ký 24:57–67. Trong câu chuyện này, chúng ta có thể học được những gì về Đấng Christ và Hội thánh Ngài? Ví dụ, qua sự kiện bà Rê-bê-ca là một người họ hàng xa của ông Y-sác, có điều gì để học hỏi về tình trạng sa ngã của con người chúng ta?
Chúng ta chắc chắn có mối tương quan với Đấng Tạo Hóa, vì ban đầu đã được tạo dựng theo hình ảnh Ngài, nhưng đã bị chia cắt với Ngài do tội lỗi. Mặc dù vậy, bạn và tôi vẫn được xem như là cô dâu xứng đôi của Ngài. Chỉ do các lựa chọn sai lầm của chúng ta đã làm cho mối tương giao này trở nên tồi tệ hơn.
Vâng, Đức Chúa Trời yêu chúng ta, là cô dâu của Ngài, nhiều hơn chúng ta yêu Ngài. Những lựa chọn nào chúng ta có thể thực hiện và nên thực hiện mỗi ngày để có thể phát triển sự yêu mến Chúa? Đồng thời, những lựa chọn nào sẽ làm giảm đi lòng yêu mến Chúa của chúng ta?
Hãy đọc Khải huyền 19:1–9. Hai sự kiện được đón mừng cùng một lúc: Sự chết của dâm phụ và hôn lễ của Đấng Christ với cô dâu của Ngài. Làm thế nào hai biến cố dường như mâu thuẫn này đều thực sự là minh chứng cho đức tính công bình và yêu thương của Đức Chúa Trời?
Lòng không chung thủy mang lại một hậu quả đầy đau đớn và ảnh hưởng lây đến cuộc sống của con cái và những người xung quanh. Ngay cả những người vợ hoặc chồng bị phản bội kiên nhẫn nhất cuối cùng cũng phải nhận ra rằng cuộc hôn nhân của họ đã đến lúc không thể nào cứu vãn được nữa. Khi thế giới này trở nên một nơi, mà lòng người chai đá đến mức không còn khả năng hối cải, không còn lý do gì để kéo dài sự đau khổ vô tận do tội lỗi gây nên cho nhân loại. Dù sự diệt vong của thế giới là một chuyện đau buồn, những người phải chịu đựng dưới sự thống trị của tội lỗi vẫn có thể cảm thấy nhẹ nhõm khi cuối cùng gánh nặng của họ đã qua đi—và thế giới được phục hồi trở về tình trạng nguyên thủy như Đức Chúa Trời đã dựng nên. Lần này chắc chắn sẽ không còn ai muốn xa cách Đức Chúa Trời nữa, bởi chúng ta đã học được bài học quá đắt giá, rằng Đức Chúa Trời đã đúng về hậu quả tệ hại của tình trạng xa cách Ngài.
Đọc Khải huyền 21:1-4. Hình bóng hôn nhân ở đây có ý nghĩa gì và tại sao nó đem lại hy vọng? Chúng ta có gì chắc chắn về hy vọng được đề cập trong những câu này?
“Hôn nhân là sự kết hợp trọn đời, là biểu tượng của sự kết hợp giữa Đấng Christ và hội thánh của Ngài. Tinh thần mà Đấng Christ bày tỏ đối với hội thánh cũng là tinh thần mà vợ chồng phải thể hiện đối với nhau”—Ellen G. White, Testimonies for the Church, tập 7, tr. 46.
Đấng Christ đã phải chịu nỗi đau không thể tưởng tượng được khi loài người từ chối Ngài và trao tình cảm dành cho Ngài đến các vị thần khác. Tuy nhiên, ngay cả khi đó, Ngài đã phó chính mình Ngài vì chúng ta, tự mình trả giá cho những sự không chung thủy và ngoại tình của chúng ta, để nếu chúng ta ăn năn và từ bỏ tội lỗi, thì chúng ta được nhận lãnh lời hứa về sự sống đời đời.
Đọc 1 Phi-e-rơ 1:18, 19. Những câu này cho chúng ta biết điều gì đảm bảo về sự cuối cùng được mô tả trong Khải huyền 21:1–4?
NGHIÊN CỨU BỔ TÚC:Đọc Giăng 2:1–11, Ma-thi-ơ 22:1–14, 2 Cô- rinh-tô 11:1–5, và Ma-thi-ơ 25:1–13.
Khi bạn nhận biết có rất nhiều dữ liệu trong Kinh Thánh có thể giúp bạn hiểu sâu hơn về tiên tri, bạn có thể dễ bị lôi cuốn để áp dụng nghĩa bóng một cách thái quá. Qua nhiều thế kỷ, một số người Cơ Đốc đã tập trung vào biểu tượng và hình bóng trong các câu chuyện Kinh Thánh, đến nỗi họ hầu như xem các câu chuyện lịch sử như những truyền thuyết. Mặc dù Kinh Thánh chứa đựng nhiều ý nghĩa sâu sắc, chúng ta luôn phải nhớ rằng, Chúa dùng những sự kiện thật và con người thật, để dạy ta về những tương tác tương lai giữa Ngài với hội thánh.
Tiệc cưới tại Ca-na là một ví dụ điển hình, cho ta hiểu sâu về ẩn dụ hôn nhân dùng trong tiên tri, nhưng đồng thời cũng là một sự kiện có thực. “Lời của Đấng Christ đã chu cấp đầy đủ thức ăn cho bữa tiệc. Đó là minh chứng cho sự hào phóng của ân điển Ngài, xóa sạch tội lỗi của con người, làm mới và nuôi dưỡng tâm linh”—Ellen G. White, The Desire of Ages, tr. 149.
Bà cũng viết: “Đức Giê-hô-va sẽ không làm bất cứ điều gì mà không bày tỏ bí mật của Ngài cho các tiên tri. Trong khi đó, ‘Những sự bí mật thuộc về Giê-hô-va Đức Chúa Trời chúng ta’ ‘song những sự bày tỏ thuộc về chúng ta, và con cháu chúng ta đời đời, để chúng ta làm theo mọi lời của luật pháp nầy’ (A-mốt 3:7; Phục truyền luật lệ Ký 29:29). Chúa đã ban những điều này cho ta, và phước lành của Ngài sẽ đi kèm với việc nghiên cứu Lời tiên tri với lòng thành kính và cầu nguyện”—The Desire of Ages, tr. 234.
ĐỀ TÀI THẢO LUẬN:
Bài Học 2, 5-11 Tháng 4
KINH THÁNH NGHIÊN CỨU: Ê-sai 40:7, 8; Sáng thế Ký 22:1–13; Giăng 3:16; Khải huyền 5:5–10; 1 Cô-rinh-tô 15:15–19; Khải huyền 12:1–9.
CÂU GỐC: ‘“Qua ngày sau, Giăng thấy Đức Chúa Jêsus đến cùng mình, thì nói rằng: Kìa, Chiên con của Đức Chúa Trời, là Đấng cất tội lỗi thế gian đi’” (Giăng 1:29).
Hầu hết các chương trình học thuật đều bắt đầu bằng một khóa học khảo sát chung (thường được đánh số “101”), một khóa học bao gồm các nguyên tắc cơ bản và có một cái nhìn tổng thể sẽ tạo cơ sở cho việc nghiên cứu sâu hơn, để bạn có thể tìm hiểu sâu hơn về chủ đề này. Tương tự như vậy, khi đọc hết Kinh Thánh, bạn nhanh chóng phát hiện ra rằng Đức Chúa Trời cũng có một khóa khảo sát tổng quát trong sách Sáng thế Ký, nơi Ngài cung cấp những ý tưởng sẽ được nghiên cứu chi tiết hơn trong tất cả các phần còn lại của Kinh Thánh.
Nói chung, lần đầu tiên một khái niệm hoặc biểu tượng được đề cập đến trong Kinh Thánh—đặc biệt nếu nó được nêu lên trong các chương mở đầu của Sáng thế Ký—bạn sẽ khám phá ra rằng đoạn đó thiết lập sự hiểu biết chung về khái niệm trên và sẽ giúp bạn hiểu nó được sử dụng như thế nào sau này.
Một số học viên Kinh Thánh gọi đây là “luật đề cập đầu tiên”, mặc dù nó nên được gọi là một nguyên tắc (hoặc một khuôn mẫu) đúng hơn là một quy luật, bởi vì chắc chắn rằng nguyên tắc này không sắt đá nghiêm chặt vì có nhiều trường hợp ngoại lệ. Có một khuôn mẫu xuất hiện, cả trong việc nghiên cứu Kinh Thánh nói chung, lẫn trong lời tiên tri trong Kinh Thánh, là Đức Chúa Trời dần dần khải thị ánh sáng cho con cái Ngài theo một trình tự qua dòng lịch sử, bắt đầu bằng một khái niệm cơ bản và sau đó mở rộng nó nhiều lần trong nhiều năm, thậm chí nhiều thế kỷ.
Đọc Ê-sai 40:7, 8; Ma-la-chi 3:6; và Hê-bơ-rơ 13:8. Bạn có thể rút ra nguyên tắc nào từ những câu Kinh Thánh này để giúp bạn tập trung vào việc nghiên cứu lời tiên tri của mình một cách đúng đắn?
Phần lớn thế giới hiện đại nói về “tính chân thật” thay vì “sự thật”, bởi vì người ta cho rằng “sự thật” là một thứ dễ uốn nắn và có thể thay đổi theo thời gian. Hoặc, trong một số trường hợp, chính khái niệm “sự thật” cũng bị coi là đáng nghi ngờ.
Tuy nhiên, khi Đức Chúa Trời thiết lập lẽ thật, Ngài không thay đổi ý của Ngài. Một khi Ngài bắt đầu dạy dỗ lẽ thật cho dân sự, chúng ta có thể tin chắc rằng việc lặp lại cùng một nguyên tắc hoặc chủ đề trong Kinh Thánh, không làm thay đổi ý nghĩa của nó mà ngược lại còn làm sáng tỏ thêm ý nghĩa đó. Do đó, khi nghiên cứu lời tiên tri, thật chí lý nếu chúng ta tìm cách hiểu thêm về sách Sáng thế Ký, nơi nhiều khái niệm chính được giải thích lần đầu tiên. Sau đó, chúng ta sẽ dùng sự hiểu biết về nền tảng này để khám phá phần còn lại của Kinh Thánh.
Tại sao vô cùng quan trọng là chúng ta không cho phép bất cứ ai, hay bất cứ điều gì, dù nghe trôi chảy hay hợp lý đến đâu, làm suy giảm đức tin của chúng ta nơi Kinh Thánh và những lẽ thật không thể sai lầm mà Kinh Thánh dạy? Những cách tinh tế nào có thể làm giảm đức tin?
Một phần của việc thừa hưởng bản tính tội lỗi là nhận thức của chúng ta về vũ trụ bị ảnh hưởng bởi sự ích kỷ và kiêu ngạo của chính chúng ta. Hiển nhiên là chúng ta nhìn thế giới từ góc nhìn hạn hẹp của mình, thay vì từ góc nhìn toàn diện của Chúa. Có lẽ không có khái niệm nào bị hiểu sai bởi nhân loại tội lỗi nhiều hơn là “tình yêu.” Văn hóa đại chúng thường đề cao một cách hiểu rất phổ biến về tình yêu xoay quanh sự thỏa nguyện vị kỷ, thay vì sự quan tâm đến người khác. Lối suy nghĩ này khiến chúng ta khó lòng hiểu được tình yêu từ góc nhìn của Chúa.
Hiểu được bản chất của tình yêu là điều cần thiết để hiểu lời tiên tri Kinh Thánh. Một trong những chủ đề cơ bản về thiện ác đấu tranh là sự tồn tại của sự hiểu lầm đáng kể về bản tính của Chúa. Cuối cùng bà Ellen G. White đã kết luận sách Thiện Ác Đấu Tranh như sau: “Toàn thể vũ trụ được thanh lọc. Mọi loài thọ tạo cùng nổi lên nhịp điệu hòa hợp và hoan hỉ. Từ Ngài, là Đấng tạo ra muôn vật, sự sống, ánh sáng và sự vui mừng tuôn tràn ra khắp không gian vô tận. Từ một nguyên tử nhỏ nhất đến một thế giới vĩ đại nhất, mọi vật sống động hay bất động, trong nét đẹp và niềm vui trọn vẹn, đều đồng thanh tung hô: Đức Chúa Trời là sự yêu thương.”—Thiện Ác Đấu Tranh, tr. 600.
Đọc Sáng thế Ký 22:1–13. “Tình yêu thương” được nhắc đến lần đầu tiên trong Kinh Thánh ở Sáng thế Ký 22:2. Câu chuyện này dạy chúng ta điều gì về bản chất yêu thương của Đức Chúa Trời?
Đôi khi, ngoài việc tìm thấy sự xuất hiện lần đầu tiên của một khái niệm trong Kinh Thánh, cũng có thể hữu ích nếu tìm thấy khái niệm đó lần đầu tiên được đề cập đến trong từng sách riêng lẻ của Kinh Thánh – đặc biệt là trong các sách Phúc âm. Trong Ma-thi-ơ 3:17, Mác 1:11, Lu-ca 3:22 và Giăng 3:16, chúng ta thấy “tình yêu thương” lần đầu tiên đề cập đến trong mỗi Phúc Âm.
Ví dụ, lần đầu tiên đề cập đến “tình yêu thương” trong Giăng (Giăng 3:16) đặc biệt mang tính soi sáng: nó dường như ám chỉ câu chuyện về người trẻ Y-sác trên bàn thờ. Đức tin của ông Áp-ra-ham nơi Đức Chúa Trời đến mức ông tin cậy Ngài, chọn tin rằng Đức Chúa Trời có thể khiến con trai ông sống lại, nếu ông chịu hy sinh con trai mình (Hê-bơ-rơ 11:19). Nó báo trước về tình yêu của Đức Chúa Trời dành cho nhân loại. Ngài yêu thương chúng ta đến mức “ban Con Một của Ngài” (xem Sáng thế Ký 22:2, 12, 16)—và sau đó Ngài sống lại từ cõi chết. Như vậy, chúng ta được mặc khải về loại tình yêu mà Đức Chúa Trời dành cho chúng ta, ấy là tình yêu quên mình.
Làm thế nào chúng ta có thể bắt đầu thể hiện tình yêu hy sinh như Chúa dành cho chúng ta đối với người khác? Tại sao loại tình yêu này lại không dễ dàng đối với hầu hết chúng ta?
Lần đầu tiên Kinh Thánh đề cập đến seh (tiếng Do Thái: một con cừu non) xảy ra trong cùng một câu chuyện với lần đầu tiên đề cập đến tình yêu trong Sáng thế Ký 22. Tất nhiên, con cừu, là một trong những biểu tượng phổ biến nhất được tìm thấy trong sách Khải huyền, nơi Đức Chúa Giê-su được gọi là “Chiên Con” hơn hai mươi lần. Một trong những cảnh quan trọng nhất của Khải huyền—sự thăm viếng Ngai của Đức Chúa Trời trong chương bốn và năm—Chiên Con giữ vai trò trung tâm.
Đọc Sáng thế Ký 22:7, 8; Xuất Ê-díp-tô Ký 12:3–13; và Khải huyền 5:5– 10. Câu chuyện Y-sác cận kề với sự hy sinh, giúp bạn hiểu chiên con được dùng một cách tượng trưng như thế nào? Câu chuyện này liên quan thế nào đến những gì Giăng nhìn thấy trong Khải huyền 5?
Lần đầu tiên đề cập đến seh (Chiên Con) trong Kinh Thánh là câu hỏi của Y-sác: “Chiên Con ở đâu?” (Sáng thế Ký 22:7). Điều thú vị là phần còn lại của Kinh Thánh trả lời câu hỏi đó một cách chi tiết. Ba mươi tám sách khác của Cựu Ước, dẫn người đọc đi theo con đường mà qua đó câu hỏi của Y-sác được trả lời dần dần với những dữ kiện ngày càng chi tiết hơn, từ các nghi lễ Lễ Vượt Qua đến công việc đầu tiên của Đa-vít trở đi. Toàn bộ câu chuyện được nhấn mạnh bằng vô số lời tiên tri về Đấng Mê-si, cung cấp câu trả lời cho câu hỏi của Y-sác. Sau đó, trong Tân Ước, câu hỏi đã được giải đáp khi Đức Chúa Giê-su xuất hiện bằng xương bằng thịt, phụng sự dân Ngài và cuối cùng hy sinh mạng sống của mình trên thập tự giá.
Trong khi đó, hãy xem Chiên Con lần đầu tiên đề cập đến trong Phúc âm Giăng (Giăng 1:29–34). Có vẻ như Giăng Báp-tít đang đích thân trả lời câu hỏi của Y-sác và bối cảnh không thể thích hợp hơn. Tội nhân ăn năn và dìm mình xuống nước để làm lễ báp-têm, tượng trưng cho sự chết của tội nhân và bắt đầu một đời sống mới. Trong bối cảnh này, Đức Chúa Giê-su, Chiên Con của Đức Chúa Trời, hiện ra và theo lời kể của sách Ma-thi-ơ, các tầng trời mở ra để loan báo về Ngài: “Tức thì có tiếng từ trên trời phán rằng: Nầy là Con yêu dấu của ta, đẹp lòng ta mọi đàng” (Ma-thi-ơ 3:17). Hãy để ý đến tiếng phán của một thiên sứ Chúa, cũng từ trên trời công bố giải pháp cho vấn đề của Áp-ra-ham và Y-sác (Sáng thế Ký 22:11–14).
Khi bạn dệt tất cả các sợi chỉ lại với nhau, bạn sẽ thấy rõ ràng rằng Đức Chúa Giê-su, là Chiên Con Đức Chúa Trời, là Đấng Chết Thay cho mọi người. Điều đó làm sáng tỏ sự hiểu biết của chúng ta về Chiên Con bị giết trong khải tượng của Giăng.
Tại sao biết Đức Chúa Giê-su là Đấng Chết Thay của chúng ta lại là nền tảng cho sự cứu rỗi? Bạn có hy vọng gì nếu không có Ngài, nếu không có Đấng chết thay cho bạn, đặc biệt là trong sự phán xét?
Có lẽ điều tàn nhẫn nhất khi sống trong một thế giới xa rời Đấng Tạo Hóa, là sự chết luôn lẩn khuất trong cuộc sống của mỗi người, sẵn sàng ập đến bất cứ lúc nào. Đó là “hậu quả của tội lỗi,” hình phạt mà chúng ta phải chịu khi bị tách rời khỏi nguồn sống duy nhất của vũ trụ: Đấng Tạo Hóa. Vì vậy, sự chết đóng vai trò quan trọng trong các lời tiên tri Kinh Thánh, không chỉ về sự tồn tại của cái chết mà quan trọng hơn là giải pháp, và giải pháp ấy chỉ tìm thấy trong Đức Chúa Giê-su qua sự chết và phục sinh của Ngài.
Cả hai lần đầu tiên Kinh Thánh đề cập đến sự chết cũng như khi nó xảy ra lần đầu tiên, đều làm sáng tỏ về chủ đề quan trọng này trong lời tiên tri. Chúng giúp ta nhận ra sự nghiêm trọng của vấn đề tội lỗi và cung cấp cho chúng ta những công cụ quan trọng, để hiểu giải pháp mà Đức Chúa Trời đã ban cho nhân loại tội lỗi.
Đọc Sáng thế Ký 2:15–17, Sáng thế Ký 4:8–15, 1 Cô-rinh-tô 15:15–19 và Khải huyền 1:18. Những đoạn này—bao gồm lần đề cập đầu tiên và sự xuất hiện của sự chết—cho chúng ta biết lý do tại sao con người chết, cách Đức Chúa Trời nhìn sự chết và giải pháp của Ngài dành cho vấn đề này là gì?
Chúng ta thường nói, “Chết chỉ là một phần của cuộc sống”. Đó là một lời nói dối. Sự chết là đối lập của sự sống, sự hủy hoại cuộc sống; nó là một kẻ xâm nhập không bao giờ được cho là một phần của cuộc sống. Ngay cả khi chúng ta đã quen với sự chết, lòng chúng ta vẫn phản kháng mạnh mẽ khi chúng ta nhìn thấy nó, như thể loài người vẫn nhận thức rằng có điều gì đó sai trái với nó. Có những trường hợp sự chết lại càng làm cho ta thêm thương tâm hơn, chẳng hạn khi một đứa trẻ qua đời. Thông thường, chúng ta cho rằng cha mẹ sẽ ra đi trước con cái, và chúng ta đã chấp nhận đó là trật tự tự nhiên.
Tuy nhiên, sự chết đầu tiên được ghi lại trong Kinh Thánh đi ngược lại với quy luật thông thường vừa kể trên. Trước khi A-đam và Ê-va trải qua sự chết, họ đã trải qua bi kịch về sự chết khi đứa con công bình của họ bị đứa con bất chính sát hại. Đó là một sự chết thật bất công.
Hãy nghĩ về Đức Chúa Giê-su, người công bình bị kẻ ác sát hại, và A-bên cũng vậy. Sự chết nào có thể bất công hơn sự chết của Đức Chúa Giê-su? Người ta có thể tìm thấy những điểm tương đồng nào khác giữa sự chết của A-bên và sự chết của Ngài trên thập tự giá? Bản chất sự chết của A-bên có thể giúp chúng ta hiểu lý do tại sao Chúa Giê-su có “chìa khóa âm phủ và sự chết” và những gì Đức Chúa Trời ban cho chúng ta nơi Ngài?
Nếu không chiến thắng được quyền lực của sự chết thì tại sao cuộc sống của chúng ta cuối cùng lại trở nên vô nghĩa và phù du? Lẽ thật này dạy chúng ta điều gì về việc chúng ta nên biết ơn những gì Đức Chúa Giê- su đã làm cho chúng ta?
Chủ đề thờ phượng là một trong những đề tài quan trọng trong sách Khải huyền. Kẻ khởi đầu và thúc đẩy các hệ thống thờ phượng sai lầm được xác định là “con rồng” (Khải huyền 13:2–4), và việc miêu tả con thú này như một con rắn không phải là ngẫu nhiên. Điều đó rõ ràng đưa chúng ta trở lại với vườn Ê-đen, nơi con rắn đã xâm nhập và thuyết phục A-đam và Ê-va đi theo để chống lại Đấng Tạo Hóa.
So sánh Sáng thế Ký 3:1–5 với Khải huyền 12:1–9. Các chủ đề chung trong mỗi câu chuyện là gì? Làm sao những chi tiết về con rắn được đề cập đến trong Sáng thế Ký giúp chúng ta hiểu sâu hơn về những vấn đề đã dẫn đến cuộc chiến trên trời như được nhắc đến trong sách Khải huyền?
Có hai câu chuyện trong Kinh Thánh kể về việc Sa-tan dẫn dắt cả thế giới đi lạc lối. Trong Sáng thế Ký, vào thời điểm chỉ có hai người tồn tại; và sau đó là lời kể trong Khải huyền 12 và 13, nơi Sa-tan được xác định là kẻ “lừa dối cả thế gian” (Khải huyền 12:9) và là kẻ trao quyền lực cho con thú và dẫn dắt “cả thế gian” đến tôn thờ nó (Khải huyền 13:2, 3). Một trong những chủ đề được tìm thấy trong lời tiên tri trong Kinh Thánh là bản chất không thay đổi của cuộc chiến giữa Thiện và Ác. Bản tính và Lời của Đức Chúa Trời chẳng hề thay đổi, và những tham vọng của ma quỷ cũng vậy.
May thay, vì bản chất của cuộc chiến giữa Thiện và Ác không thay đổi, và vì chúng ta có các lời tiên tri chỉ dẫn rõ ràng từ Kinh Thánh, người theo Chúa có thể nhận biết và phân biệt được các xu hướng để nhìn thấy những nguy cơ tâm linh trước mắt mình. Đức Chúa Trời sẽ luôn luôn là chính Ngài và điều tương tự cũng xảy ra với Ma quỷ. Ma quỷ có thể thay đổi hình dạng khác nhau, nhưng qua hàng ngàn năm lịch sử con người bị sa ngã, kết hợp với cảnh tiên tri trong Khải huyền, chứng tỏ rằng Sa-tan không bao giờ từ bỏ âm mưu xấu xa đã từng thực hiện tại vườn Ê-đen. Đức Chúa Trời đã hứa ban cho chúng ta sự khôn ngoan và sự phán đoán (Gia-cơ 1:5), và với sự bảo đảm từ Kinh Thánh, chúng ta sẽ không bị mê hoặc bởi những lời dối trá của ma quỷ. Tuy nhiên, đáng tiếc là nhiều người vẫn mắc phải và rất nhiều người—phần lớn—cũng sẽ, sẽ bị lừa dối.
Hãy suy nghĩ về việc văn hóa thay đổi theo thời gian. Các tiêu chuẩn xã hội biến đổi; những điều một thời được chấp nhận lại có thể trở thành không chấp nhận, và ngược lại. Bởi vì các vấn đề nền tảng và các nhân vật dự phần trong cuộc chiến giữa Thiện và Ác vẫn vậy, không thay đổi, người theo Chúa nên cân nhắc những gì khi tìm hiểu về các trào lưu văn hóa? Ví dụ, những lời dối trá của ma quỷ như “bạn sẽ không chết” và “bạn sẽ giống như các vị thần” – những lời này hiện đang được phổ biến như thế nào trong văn hóa hiện đại của bạn?
NGHIÊN CỨU BỔ TÚC:Đọc sách của bà Ellen G. White, chương “The Revelation,” tr. 578–581, The Acts of the Apostles.
Trong khi nhiều tôn giáo trên thế giới chỉ xoay quanh các ý niệm trừu tượng, thì những ý tưởng Cơ Đốc giáo lại được gắn chặt với những sự kiện lịch sử mạnh mẽ. Kinh Thánh là câu chuyện về Đức Chúa Trời tương tác với nhân loại xuyên suốt lịch sử, và qua việc nghiên cứu những sự tương tác hàng ngàn năm này, chúng ta có thể học được rất nhiều về bản tính không thay đổi của Đức Chúa Trời.
Tuy nhiên, đôi khi Cơ Đốc nhân phàn nàn rằng họ cảm thấy mệt mỏi khi phải nghe những điều giống nhau lập lại. Đôi khi, nghe những thông điệp tiên tri đặc biệt được rao giảng công khai, chúng ta nghĩ rằng mình đã nghe rồi và không có gì mới để học.
Tuy nhiên, thực tế là sứ điệp không thay đổi và nhất quán không có nghĩa là nó đơn giản hoặc không có gì cần hiểu thêm. Hoàn toàn ngược lại: Khi bạn đang nghiên cứu các thông tin được chuyển đến chúng ta từ tâm trí của một Đấng Vô Hạn, bạn sẽ lập tức phát hiện ra rằng mình sẽ không bao giờ hiểu hết một chủ đề tưởng như đơn giản.
Bà Ellen G. White cho biết một trong những lý do sách Khải huyền được viết là để gắn kết Hội Thánh Cơ Đốc với thông điệp lịch sử của quyển sách này đến đời đời. “Một số người trẻ hầu việc Chúa [lúc đó]… đã cảm thấy chán nản với những lẽ thật thường xuyên được nhắc đi nhắc lại. Họ khao khát điều gì đó mới mẻ và thu hút sự chú ý của họ, vì vậy đã cố gắng giới thiệu các phương diện mới của giáo điều.”—The Acts of the Apostles, tr. 580. Do đó, sách Khải huyền không chỉ là một cuốn sách nói về tương lai, mà còn là một cuốn sách nói về quá khứ, nhằm giữ cho chúng ta vững vàng trong đức tin, để không bị lạc lối trong nỗ lực tìm kiếm điều mới lạ theo ý mình.
ĐỀ TÀI THẢO LUẬN:
Bài Học 1, 29 Tháng 3 – 4 Tháng 4
KINH THÁNH NGHIÊN CỨU: Giê-rê-mi 29:23, 24; Thi thiên 139:1–6; Đani-ên 12:4; Khải huyền 22:10; 2 Ti-mô-thê 3:15–17; Hê-bơ-rơ 4:12.
CÂU GỐC: ‘ “Nhưng kẻ nào khoe, hãy khoe về trí khôn mình biết ta là Đức Giê-hô-va, là Đấng làm ra sự thương xót, chánh trực, và công bình trên đất; vì ta ưa thích những sự ấy, Đức Giê-hô-va phán vậy’” (Giê-rê-mi 9:24).
Bước vào bất kỳ tiệm sách Cơ Đốc nào và nhìn lướt qua những tựa đề về lời tiên tri trong Kinh Thánh, bạn sẽ chóng mặt trước vô số quan điểm và cách giải thích khác nhau, điều này làm bạn dễ cho rằng không ai có thể thực sự hiểu những cuốn sách như Khải huyền nói gì. Chẳng hạn, một tác giả nói rằng kẻ địch lại Đấng Christ chẳng qua là một ẩn dụ; người khác nói rằng kẻ đối nghịch Đấng Christ vẫn chưa xuất hiện và sẽ đến trong tương lai; và người khác lại bảo lời tiên tri này ám chỉ đến điều gì đó hoặc ai đó trong thời Đế chế La Mã ngoại giáo. Một nhà truyền giáo lớn tuổi đã nói: “Có lẽ Kinh Thánh giống như một cây vĩ cầm cũ; bạn có thể chơi bất kỳ giai điệu nào bạn muốn.”
Tuy nhiên, Kinh Thánh không gợi ý như vậy. Thay vào đó, Kinh Thánh khuyến khích chúng ta đọc với niềm tin rằng Chúa không phán dạy một cách vô ích và chúng ta có thể hiểu được lẽ thật qua Lời Ngài.
Đọc Ma-thi-ơ 24:15; Khải huyền 1:3; Ma-thi-ơ 11:29; và Giê-rê-mi 9:23, 24. Những câu Kinh Thánh này cho biết điều gì về ý định của Đức Chúa Trời là Ngài được mọi người hiểu?
Nhiều trường đại học có lớp dạy “Kinh Thánh là văn học” hoặc những khóa học tương tự. Đối với các tín nhân, họ có thể sẽ rất ngạc nhiên sau khi ngồi nghe các bài giảng, chỉ để khám phá ra rằng giáo sư đọc Kinh Thánh giống như cách người ta đọc thần thoại ngoại giáo. Lối dạy này dựa trên chủ trương cho rằng có thể có bài học luân lý nào đó trong các câu chuyện Kinh Thánh, nhưng người ta có thể diễn dịch các câu chuyện ấy theo bất kỳ ý gì mình muốn. Đối với những giáo sư thế tục, ý tưởng cho rằng Kinh Thánh được nguồn soi dẫn thiên thượng thật đáng buồn cười.
Như vậy giáo viên đọc Lời Chúa trong Kinh Thánh nhưng thực sự không nghe thấy tiếng Ngài phán. Hành động này rõ ràng là trái ngược với sứ điệp của Kinh Thánh. Nếu không đầu phục Đức Chúa Trời và không có tấm lòng rộng mở để tìm hiểu lẽ thật, những người đọc Kinh Thánh có thể sẽ không những chỉ bỏ lỡ sứ điệp trong đó mà còn hiểu sai về bản tính yêu thương và thánh khiết của Đức Chúa Trời như được bày tỏ trong các trang Kinh Thánh. Lỗi lầm này có thể dễ bị vấp phạm hơn chúng ta nghĩ. Cho nên đọc Kinh Thánh mà thiếu thái độ đúng đắn (một đòi hỏi rất quan trọng) và phương pháp phù hợp theo sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh, thì rất tai hại.
Có một người vốn dĩ không sùng đạo nhưng mọi người thấy anh ta đang đọc Kinh Thánh. Khi được hỏi đang làm gì, anh ta trả lời: “Đang tìm sơ hở. Đang tìm sơ hở.” Tại sao rõ ràng đây là thái độ sai lầm khi nghiên cứu Lời Chúa?
Không có gì bực dọc bằng trường hợp cần phải giải thích một cách khẩn cấp, có thể là tại một phòng khám bệnh hoặc tại một hiệu thuốc, mà lại đang ở một đất nước xa lạ nơi bạn hầu như không nói được ngôn ngữ của nơi đó. Bạn biết mình cần nói gì, nhưng bạn không có đủ vốn từ vựng để giải thích.
Đối với khả năng để hiểu được Đức Chúa Trời, chúng ta gặp một vấn đề khác. Ngài phán: “Vì các từng trời cao hơn đất bao nhiêu, thì đường lối ta cao hơn đường lối các ngươi, ý tưởng ta cao hơn ý tưởng các ngươi cũng bấy nhiêu” (Ê-sai 55:9). Vấn đề ở đây không phải là Chúa không có vốn từ vựng để giao tiếp với chúng ta; vấn đề là chúng ta không có vốn từ vựng hoặc khả năng trí tuệ để hiểu Ngài một cách trọn vẹn.
Những câu Kinh Thánh sau đây nhắc nhở điều gì về sự hiểu biết của Chúa so với sự hiểu biết của chúng ta?
Thi thiên 139:1–6 __________________________________________
Thi thiên 147:5 _____________________________________________
Rô-ma 11:33 _______________________________________________
1 Giăng 3:20 _______________________________________________
Sự thật của vấn đề là chúng ta sẽ không bao giờ hiểu hết được tâm trí của Đức Chúa Trời, bởi vì Ngài là Đấng vô hạn và toàn tri. Suy cho cùng, chúng ta hầu như không thể hiểu hết mọi điều về các tạo vật được sáng tạo; thì làm thế nào chúng ta có thể hiểu một cách trọn vẹn về Đấng Tạo Hóa đã tạo dựng nên chúng? Chúng ta không thể nào hiểu hết được.
Mặc dù chúng ta sẽ không bao giờ hiểu hết được mọi thứ, nhưng ai cũng có thể hiểu được điều gì là cần thiết cho sự cứu rỗi của mình. (Xem 2 Ti-mô- thê 3:14, 15.) Khi giải thích phúc âm cho người khác nghe, các sứ đồ thường đề cập đến lời tiên tri đã được ứng nghiệm, từ đó chúng ta có thể suy ra rằng một trong những mục đích chính của lời tiên tri là minh họa cho kế hoạch cứu rỗi. Thật vậy, cuối cùng lời tiên tri trong Kinh Thánh, bằng cách này hay cách khác, luôn dẫn chúng ta đến với Đức Chúa Giê-su và lời hứa cứu rỗi mà Ngài đã ban cho toàn thể nhân loại.
Chung quy lại, Đức Chúa Trời, Đấng đã dựng nên muôn loài vạn vật (xem Cô-lô-se 1:16; Giăng 1:1–3), đã giáng thế và dâng chính Ngài làm của lễ hy sinh trên thập tự giá vì tội lỗi của mỗi người, ngay cả những người xấu xa nhất. Đó là cách Chúa yêu thương tất cả chúng ta. Sau khi đã thực hiện tất cả những điều đó cho mọi người, rõ ràng Chúa muốn tất cả con cái Ngài, kể cả những người xấu xa nhất, hiểu được những gì Ngài đã ban qua Đức Chúa Giê-su. Và lời tiên tri có thể giúp đỡ cho sự nhận biết này.
Mặc dù có nhiều điều chúng ta chưa hiểu hết, tại sao việc tập trung vào những gì chúng ta biết và làm theo những gì chúng ta được học quan trọng hơn so với việc bị ám ảnh bởi những gì chúng ta không biết?
Đọc Đa-ni-ên 12:4. Chúa phán dạy Đa-ni-ên điều gì ở đây? (Đối chiếu điều này với Khải huyền 22:10.)
Không có gì lạ khi nghe các nhà truyền giáo dùng Đa-ni-ên 12:4 để tiên tri về sự phát triển của kiến thức khoa học và công nghệ ngay trước khi Đấng Christ tái lâm. Nhiều người cũng sử dụng câu này để mô tả những tiến bộ về phương tiện giao thông nhanh chóng đang diễn ra trong những thế kỷ qua. Nhiều sách báo của chúng ta cũng áp dụng cách tương tự. Mặc dù chắc chắn là những cách giải thích này hợp lý, lời tiên tri này cũng có thể mang một ý nghĩa khác.
Đọc lại đoạn Kinh Thánh đó. Chúng ta thấy lời chỉ dẫn của thiên sứ dành cho tiên tri Đa-ni-ên bắt đầu bằng lệnh “hãy đóng lại những lời nầy và hãy đóng ấn sách nầy cho đến kỳ cuối cùng”. Chủ đề đang được thảo luận chính là cuốn sách của tiên tri Đa-ni-ên. Vậy phải chăng học thức được thêm lên vào thời kỳ cuối cùng, đang ám chỉ kiến thức về sách Đa-ni-ên?
Điều này làm cho sách Đa-ni-ên có phần hơi khác so với sách Khải huyền, ở chỗ Chúa phán dặn ông Giăng không được niêm phong cuốn sách của mình (Khải huyền 22:10). Sự mặc khải cho tiên tri Giăng phải được hiểu ngay từ đầu, bởi vì “sự cuối cùng sắp xảy ra”. Ngược lại, sách Đa-ni-ên sẽ chỉ được hiểu rõ ràng hơn vào một thời điểm nào đó trong tương lai xa.
Qua nhiều thế kỷ, nhiều tư tưởng gia Cơ Đốc giáo ưu tú đã cố gắng giải thích sách Đa-ni-ên, và một số người đã có những kết luận quan trọng. Tuy nhiên, sự hiểu biết về sách Đa-ni-ên đã tăng lên nhanh chóng sau khi kết thúc lời tiên tri về 1,260 năm, là năm 1798, khi nhiều nhà giải nghĩa trên toàn cầu bắt đầu đi đến kết luận rằng một điều gì đó ngoạn mục sẽ xảy ra vào khoảng năm 1843. Đáng chú ý nhất trong số này, chính là mục sư William Miller, lời rao giảng của ông đã phát động Phong trào Tái Lâm Vĩ đại vào thế kỷ 19 và bắt đầu một chuỗi sự kiện khai sinh ra hội thánh “còn sót lại” cũng như thêm kiến thức rõ ràng về sứ điệp ba thiên sứ.
Nói cách khác, biến cố ra đời của phong trào này có phạm vi trên toàn cầu qua việc ứng nghiệm lời tiên tri của Đa-ni-ên rằng “kiến thức sẽ thêm lên” vào “thời kỳ cuối cùng”.
Ngược lại, dầu chúng ta không phán xét sự cứu rỗi của người khác, hãy nghĩ về một “bóng tối” đang tồn tại trong phần lớn thế giới Cơ Đốc giáo. Một điều gì đó cơ bản như ngày Sa-bát thứ bảy, được thiết lập ở vườn Ê-đen, lại bị bỏ qua, thậm chí bị loại bỏ, để ủng hộ ngày thứ nhất, một ngày bắt nguồn từ ngoại giáo La Mã. Hoặc hãy nghĩ đến sự thiếu hiểu biết hoàn toàn về cái chết, với đại đa số Cơ Đốc nhân tin vào ý tưởng ngoại giáo rằng người chết ngay lập tức được chuyển sang một trạng thái tồn tại khác, điều này đối với một số người cũng có nghĩa là một địa ngục bốc lửa thiêu đốt đời đời.
Ngược lại, chúng ta nên cảm thấy biết ơn—và có lòng khiêm tốn—nhờ được ơn đặc biệt để biết lẽ thật.
Các tín hữu Cơ Đốc Phục Lâm thừa nhận mục sư William Miller rất nhiều trong sự hiểu biết của họ về lời tiên tri trong Kinh Thánh. Mặc dù sự hiểu biết của ông về những đoạn Kinh Thánh quan trọng (chẳng hạn như Đa-ni-ên 8:14) không trọn vẹn, nhưng phương pháp nghiên cứu của ông vẫn quan trọng, vì nó mở đường cho sự ra đời của phong trào Hội thánh còn sót lại trong ngày cuối cùng.
Đọc Ma-thi-ơ 5:18, 2 Ti-mô-thê 3:15–17 và Lu-ca 24:27. Những câu này dạy điều gì về cách chúng ta tiếp cận lời tiên tri trong Kinh Thánh?
Về mặt nào đó, việc học Kinh Thánh không khác gì việc lắp ráp một bức hình ghép lớn. Nếu chỉ ráp hai hoặc ba mảnh với nhau thì gần như không thể phân biệt được toàn bộ bức tranh. Có lẽ trong hai hoặc ba mảnh đó, bạn có thể nhìn thấy một con ngựa, và do đó bạn kết luận rằng bạn đang ghép một bức tranh về những con ngựa. Nhưng một vài mảnh nữa lại cho thấy một con gà và một con bò, và khi bạn đã tập hợp được hàng trăm mảnh, cuối cùng bạn có thể thấy rằng bạn đang tạo ra một bức tranh phong cảnh, bao gồm một thành phố, một trang trại và một dãy núi ở phía xa.
Một trong những nguyên nhân chính khiến một số Cơ Đốc nhân mắc sai lầm khi nghiên cứu Kinh Thánh là họ coi Kinh Thánh như một tuyển tập thiếu chặt chẽ, gồm những câu nói hoặc những câu tục ngữ mà họ có thể dùng để giải quyết một tình huống cụ thể nào đó mà thôi. Một số người chỉ tập trung nghiên cứu phần hướng dẫn đọc Kinh Thánh theo các chủ đề rất đơn giản ở các trang đầu, nơi họ tìm thấy những câu Kinh Thánh hữu ích về một chủ đề nào đó và tưởng rằng chúng đại diện tổng thể tất cả các lời dạy của cả Kinh Thánh về chủ đề ấy.
Đáng tiếc là họ cũng áp dụng cách tiếp cận tương tự với lời tiên tri, tách từng câu ra khỏi bối cảnh của nó và so sánh với những sự kiện hiện tại thay vì với các phần còn lại của Kinh Thánh. Phương pháp này đã góp phần tạo nên dòng sách tiên tri hiện đại liên tục cần được sửa đổi sau mỗi vài năm do những dự đoán không chính xác về những gì sẽ xảy ra và khi nào.
Đó là lý do tại sao điều quan trọng không chỉ là chọn một số câu cụ thể về bất kỳ chủ đề nào, mà thay vào đó là nghiên cứu cẩn thận mọi điều Kinh Thánh nói về chủ đề đó, đồng thời nghiên cứu cả bối cảnh mà Kinh Thánh nói đến. Rất dễ dàng để kéo một câu ra khỏi ngữ cảnh và khiến nó nói lên bất cứ điều gì chúng ta muốn.
Bạn có kinh nghiệm gì với những người chỉ sử dụng một số câu chọn lọc nhất định để cố gắng đưa ra quan điểm của họ, chẳng hạn như tình trạng của người chết? Hay thậm chí là ngày Sa-bát? Cách tốt nhất để trả lời họ là gì?
Một trong những vấn đề chính mà những người nghiên cứu lời tiên tri cần phải giải quyết là làm thế nào để xác định xem ngôn ngữ của Kinh Thánh nên được hiểu theo nghĩa đen hay nghĩa bóng. Làm cách nào để xác định liệu tác giả có sử dụng ngôn ngữ biểu tượng hay không, và làm cách nào để biết biểu tượng đó đại diện cho điều gì? Cần nên nghiên cứu tìm xem hình ảnh và biểu tượng đó đã được sử dụng như thế nào trong cả Kinh Thánh, chưa hẳn là giống như cách biểu tượng đó đang được sử dụng trong thời hiện đại. Ví dụ, một số người coi biểu tượng con gấu trong Đa-ni-ên 7 là ám chỉ nước Nga, vì hình ảnh đó ngày nay thường được dùng làm biểu tượng của nước Nga. Đây không phải là cách giải thích hợp lý về các biểu tượng của lời tiên tri trong Kinh Thánh.
Tra cứu các câu sau đây và hãy để Kinh Thánh tự giải nghĩa (để xác định các thuật ngữ riêng của nó). Biểu tượng tiên tri phổ biến ở mỗi câu trong mỗi trường hợp là gì và Kinh Thánh nói nó tượng trưng cho điều gì?
Đa-ni-ên 7:7, 8:3, và 7:24
Khải huyền 1:16, Ê-phê-sô 6:17, Hê-bơ-rơ 4:12
Khải huyền 12:1, 21:2; Ê-phê-sô 5:31, 32, Giê-rê-mi 6:2
Bằng cách tuân theo nguyên tắc đơn giản là chính Kinh Thánh sẽ định nghĩa cho các thuật ngữ dùng trong Kinh Thánh, thì hầu hết các bí ẩn đằng sau các biểu tượng tiên tri sẽ dễ dàng được hóa giải. Ví dụ, chúng ta thấy chiếc sừng có thể tượng trưng cho một thế lực chính trị hoặc một quốc gia. Một thanh kiếm có thể tượng trưng cho Lời Chúa. Và một người phụ nữ có thể tượng trưng cho Hội thánh. Ở đây chúng ta có thể thấy rõ rằng chính Kinh Thánh giải thích cho Kinh Thánh.
Tuy nhiên, điều còn lại cần được trả lời là tại sao Đức Chúa Trời lại phán dạy qua hình bóng thay vì nói trực tiếp? Chẳng hạn, tại sao sứ đồ Phi-e-rơ lại gọi thành Rô-ma là thành Ba-by-lôn một cách khó hiểu trong 1 Phi-e-rơ 5:13?
Có thể có nhiều lý do tại sao Đức Chúa Trời chọn cách truyền đạt qua các lời tiên tri có từ ngữ tượng trưng. Chẳng hạn, trong trường hợp của Hội Thánh Tân Ước, nếu sách Khải huyền nêu tên rõ ràng rằng La Mã là thủ phạm của rất nhiều tội ác, thì cuộc đàn áp giáo hội vốn đã gắt gao có thể còn dữ dội hơn. Dù lý do là gì đi nữa, thì chúng ta có thể tin rằng Chúa muốn chúng ta hiểu được ý nghĩa của các hình bóng đó.
Ngay cả khi một số biểu tượng và lời tiên tri vẫn còn là điều bí ẩn, làm thế nào việc tập trung vào những gì chúng ta đã hiểu có thể củng cố đức tin của chúng ta?
NGHIÊN CỨU BỔ TÚC: Đọc quyển Thiện Ác Đấu Tranh của Ellen G. White, chương “Nhà Cải Chánh Mỹ,” tr. 283–304.
“Các mục sư và tín đồ tuyên bố rằng những lời tiên tri trong Đa-ni-ên và Khải huyền là mầu nhiệm không thể hiểu được. Còn Đấng Christ chỉ cho các môn đồ những lời trong sách Đa-ni-ên về những biến cố sẽ xảy ra trong thời họ, Ngài phán, “Ai đọc, phải để ý” (Ma-thi-ơ 24:15). Còn nói rằng Khải huyền là một sách mầu nhiệm, không hiểu nổi, là trái với nhan đề quyển sách, “Sự mặc thị của Đức Chúa Giê-su Christ mà Đức Chúa Trời đã ban cho Ngài đặng đem tỏ ra cùng tôi tớ Ngài những điều kíp phải xảy đến.… Phước cho kẻ đọc, cùng những kẻ nghe lời tiên tri này, và giữ theo điều đã viết ra đây. Vì thì giờ đã gần rồi” (Khải huyền 1:1-3)….
“Trước những lời chứng trên đây, làm sao người ta có thể dạy rằng Khải huyền là một sách mầu nhiệm, cao quá sự hiểu biết của loài người? Đó là sự mầu nhiệm, nhưng là một sự mầu nhiệm được tỏ bày, đó là một sách được mở ra. Nghiên cứu sách Khải huyền khiến người ta chú ý đến các lời tiên tri của Đa-ni-ên. Trong hai quyển sách này, Đức Chúa Trời đã ban cho loài người những lời giáo huấn quan trọng về những biến cố phải xảy ra trong ngày cuối cùng của lịch sử thế gian.
“Sứ đồ Giăng được thấy những quang cảnh có ích lợi cho hội thánh. Người miêu tả những sự nguy hiểm, những cuộc chiến đấu và giải cứu cuối cùng dân sự Đức Chúa Trời. Tác giả ghi chép những sứ điệp cuối cùng làm chín mùa màng trên đất, hoặc là những bó lúa để đem vào kho trên trời, hay là rơm rạ để dành cho lửa hủy diệt. Những điều rất quan trọng đã được khải thị cho ông, đặc biệt về hội thánh cuối cùng, hầu cho những người xây bỏ sự sai lầm để tiếp nhận lẽ thật có thể đề phòng những nguy biến và sự tranh chiến đang chờ họ. Không ai phải ở trong tối tăm, không biết về những điều sẽ xảy ra trên đất.”—Ellen G. White, Thiện Ác Đấu Tranh, tr. 303, 304.
ĐỀ TÀI THẢO LUẬN:
Trường Sa-bát được bảo trợ bởi Cơ Quan Tiếng Nói Hy Vọng | Donate